Triển lãm Reborn Décor với thông điệp From trash to treasure (tạm dịch: Từ rác thải tới kho báu) đã mang đến cho người xem cái nhìn khác về rác. Rác cũng sẽ là kho báu nếu biết cách tận dụng nó.
Nhóm dự án Reborn Décor thực hiện triển lãm nhằm lan tỏa ý nghĩa và tinh thần của việc sử dụng vật liệu tái chế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là .
Triển lãm là cuộc gặp gỡ của sinh viên từ các trường đại học Tôn Đức Thắng, Kiến trúc TP.HCM, Bangka Belitung (Indonesia)…
Màu xanh dương, xanh lá, vàng… của các loại chai nhựa, rác ni lông thường ngày vốn chẳng có gì đặc biệt, nhưng chính những màu sắc ấy lại làm nên nét ấn tượng cho 20 tác phẩm nội thất là những bộ bàn ghế sang trọng và tinh tế.
Phúc Trần – thành viên dự án – cho biết rác thải nhựa, ni lông được thu gom rồi cắt nhỏ, trải qua các quá trình ép nhiệt, ép lạnh để tạo thành các tấm vật liệu nhựa đa dạng màu sắc, kích cỡ.
Tùy loại hoa văn mong muốn cho các thiết kế nội thất mà người làm sẽ lựa và phối trộn các loại rác nhựa khác nhau.
“Độ bền và tính thẩm mỹ của các tấm vật liệu từ rác tái chế này khá tương đồng với các vật liệu truyền thống để làm nội thất. Nên tiềm năng của rác thải nhựa, ni lông để làm các sản phẩm có tính ứng dụng cao là rất lớn”, Phúc Trần nói.
Trưởng nhóm dự án Hà Phan Kim Nguyệt cho biết mục tiêu chính là nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của việc tái chế.
Hơn nữa, nhóm thực hiện hướng tới lối sống bền vững qua việc giới thiệu những ý tưởng độc đáo về cách tái chế vật liệu nhựa thành các sản phẩm trang trí nhà cửa và nội thất hữu ích.
Đấu giá tác phẩm làm khu vui chơi cho bệnh nhi
Triển lãm còn kéo dài đến hết ngày 4-11 tại số 6B Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM).
Sau đó, các sản phẩm được đấu giá vào ngày 29-11. Kinh phí thu được từ buổi đấu giá này sẽ dùng để xây dựng khu vui chơi xanh tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hơn 600 bệnh nhi.
Hơn 85% lượng rác thải đang được xử lý bằng cách chôn lấp, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Nhiều hiệp hội, doanh nghiệp tại TP.HCM đưa ra nhiều phương án thu gom tái chế rác thải, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.