Tại Car Talks 2022, các chuyên gia trong ngành đã đưa nhiều ý kiến, giúp người dùng lựa chọn loại hình phủ bóng phù hợp nhất với thói quen, nhu cầu sử dụng. Trong đó, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ôtô – Xe máy Lý Tự Trọng cho rằng, nếu người dùng có ý định phủ bóng ngoại thất xe, nên thực hiện ngay khi vừa mua ôtô mới.
“Khi xe mới 100%, bề mặt sơn chưa bị hư hại nên đạt độ bám dính tối ưu với các loại phủ bóng, đặc biệt là phủ bóng thủy tinh”, ông Anh Tuấn nói. “Lúc này, kỹ thuật viên chỉ cần vệ sinh bề mặt, loại bỏ bụi và các lớp dầu là có thể thi công ngay. Thời gian hoàn thành sẽ nhanh và độ bền của lớp phủ được tối ưu”.
Đối với xe đã qua sử dụng, trước khi phủ bóng, kỹ thuật viên cần thực hiện thêm bước hiệu chỉnh bề mặt sơn. Tùy vào chất lượng lớp sơn, quá trình này có thể mất vài giờ. “Với xe cũ, công đoạn này giúp tối ưu bề mặt, nhằm chỉnh màu trên toàn bộ thân xe đồng nhất, tránh hiện tượng lệch màu giữa các mảng”, ông nói. “Nếu bước hiệu chỉnh bề mặt không được thực hiện kỹ càng và cẩn thận, khi phủ bóng xong, các nhược điểm sẽ lộ rất rõ”, ông nói.
Vị chuyên gia cho rằng, thị trường hiện nay có rất nhiều loại hình phủ bóng có chất lượng và mức giá khác nhau, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Đối với các dòng sản phẩm từ ceramic, thời gian thi công và hoàn thành trung bình 3 ngày, nếu phủ nhiều lớp hơn, thời gian có thể đến 1 tuần. Đây cũng là loại phủ bóng khó nhất, dễ gây hiện tượng không đồng nhất bởi cần nhiều thời gian để lớp phủ cứng lại, sau đó phủ lớp tiếp theo lên.
Tại phần thứ hai của tọa đàm, chuyên gia Capco Việt Nam cho biết, quá trình thi công phủ bóng thủy tinh của hãng cần 6 bước thực hiện, thời gian từ 2 giờ cho xe mới. Với loại phủ bóng này, hãng đưa chính sách bảo hành đến 5 năm. Toàn bộ gói phủ bóng của Capco đều được hỗ trợ thực hiện bởi kỹ thuật viên đã trải qua đào tạo chuyên sâu về sản phẩm, kỹ thuật chuẩn Nhật Bản, có giấy chứng nhận kỹ thuật thi công tại tập đoàn Central.
Ngay tại Car Talks 2022, đại diện Capco đã thực hiện phủ bóng một mẫu xe đã qua sử dụng. Công đoạn đầu tiên, bề mặt sơn ôtô sẽ được kỹ thuật viên làm sạch, sau đó dùng máy đánh bóng để hiệu chỉnh. Ở bước này, dung dịch vệ sinh bề mặt được sử dụng, giúp loại bỏ lớp dầu và bụi bẩn.
“Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khi phủ bóng thủy tinh hybrid toàn bộ bề mặt sơn sẽ tạo phản ứng hoá học, hình thành liên kết chặt chẽ với lớp sơn”, đại diện hãng nói. “Phủ thủy tinh hybrid là sự kết hợp giữa lớp màng tinh thể thủy tinh và lớp màng fluor”.
Cụ thể, lớp thủy tinh sẽ tạo màng trong suốt giúp bảo vệ bề mặt sơn, chống lại tác nhân bên ngoài, đồng thời có nhiệm vụ duy trì độ sáng bóng. Lớp màng fluor ở phía trên sẽ liên kết chặt với lớp thủy tinh, hỗ trợ việc bảo vệ bề mặt sơn, tạo vẻ ngoài mịn màng, tăng độ bóng và chống bám bẩn.
Với điều kiện thời tiết tại TP HCM, thời gian chờ khô lớp phủ là 15 phút, toàn bộ quá trình diễn ra khoảng 2 giờ, bao gồm việc vệ sinh bề mặt sơn. Ưu điểm trong phương pháp này của Capco là nơi thi công không đòi hỏi phòng kín, cách ly với môi trường bên ngoài. Ngoài ra, sau khi thi công, người dùng có thể sử dụng xe ngay trong điều kiện vận hành bình thường.
Ngay sau khi hoàn thiện việc phủ bóng thủy tinh, bề mặt sơn cho thấy sự thay đổi rõ rệt với phần chưa được phủ bóng. Cụ thể, bề mặt vừa thi công tạo hiệu ứng lá sen (trượt nước) tức thì, khó bám nước và bụi bẩn, vệ sinh dễ dàng với nước thường, thuận tiện hơn so với bên còn lại. Ngoài ra, khu vực được phủ thuỷ tinh cho sự khác biệt về độ bóng, cảm giác mịn màng.
Tại Việt Nam, ngoài ưu điểm về sản phẩm, nhà phân phối chính hãng còn tập trung vào các dịch vụ hậu mãi như: đào tạo kỹ thuật thi công cho từng đại lý, bảo dưỡng, bảo hành sản phẩm, hỗ trợ đại lý trong việc tư vấn sản phẩm cho người dùng… Đây là ưu điểm giúp tập đoàn Central chiếm lĩnh, giữ vững thị phần lớn tại Nhật Bản.
Quang Anh
Ảnh: Trần Quỳnh.